Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã thực hiện đề tài xây dựng biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh xoăn lá cà chua do Ths. Nguyễn Văn Sơn làm chủ nhiệm đề tài.
Nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành khảo sát, điều tra tình hình, phân tích nguyên nhân của bệnh xoăn lá cà chua tại 2 huyện Đức Trọng và Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng. Triệu chứng bệnh xoăn lá trên cây cà chua đều do virus gây hại. Trong đó chủ yếu là 3 loài virus TMV, TYLCV và CMV. Tỷ lệ gây hại phổ biến từ 5-25% cây; tuy nhiên cũng có vườn bị hại nặng do cả 3 loài virus gây hại. Các giống không ghép bị hại nặng hơn giống ghép. Virus gây hại trong giai đoạn vườn ươm, rất khó phân biệt cây con bị nhiễm.
Côn trùng môi giới lây lan virus (vecto7) gồm: bọ phấn, ruồi hại lá, rệp, bọ trĩ đều xuất hiện trên vườn ươm và vườn trồng cà chua, trong đó bọ phấn là tác nhân chính.
Bệnh xoăn lá virus gây hại trên cà chua làm thiệt hại lớn đến năng suất (giảm trung bình 3-5 tấn/ha), gây hiện tượng sượng trái (15-30%) và trái nhỏ, dị dạng.
Ngoài ra, việc nông dân nhận biết muộn triệu chứng xoăn lá trên vườn trồng cũng làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Tuy nông dân thực hiện tốt chế độ luân canh, nhận thức tốt việc lây lan sang vụ sau nhưng việc thu gom tiêu hủy tàn dư còn rất hạn chế.
Từ việc xác định nguyên nhân xoăn lá cà chua, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh như sau:
1. Biện pháp canh tác
+ Giống: chọn giống cà chua ít nhiễm bệnh xoăn lá virus: Kim cương đỏ, Ana…khả năng chống chịu được sâu bệnh, thích nghi với điều kiện địa phương và có năng suất cao.
Số ngày gieo ươm: 35-45 ngày; Chiều cao cây: 12-15cm; Đường kính thân: 2-3mm; 5-6 lá thật.
Cây khỏe mạnh, không dị hình, không bị dập nát, rễ trắng, ngọn phát triển tốt, vết ghép liền da (đối với cà chua ghép). Cây hoàn toàn sạch sâu, bệnh.
+ Vườn ươm: Cao ráo, thông thoáng, sau mỗi lần xuất vườn phải xử lý dụng cụ vườn ươm. Vật liệu ươm giống phải phơi khô, hoai mục.
Dùng lưới côn trùng để bảo vệ cây con. Hạt giống trước khi ươm phải được xử lý bằng nước nóng (3 sôi, 2 lạnh) hoặc ngâm hạt giống cà chua trong dung dịch Na2PO4 (100%) trong 2 giờ. Sau đó xả lại trong nước sạch 40 phút, trải hạt trên giấy hút ẩm để làm khô.
- Sử dụng các loại thuốc phòng trừ côn trùng chích: Oshin 20WP, Sokupi 0,36AS, Actara 25 WG (nồng độ khuyến cáo, 5-7 ngày/lần) và các thuốc trừ bệnh trong danh mục.
+ Đất trồng
- Chọn đất thịt pha cát, đất bazan, pH từ 5,5-6,5; những chân đất mới hoặc vụ trước không trồng cây họ cà để tránh sâu bệnh phát triển.
- Thu dọn sạch sẽ và tiêu hủy tàn dư, cỏ dại. Xới xáo kỹ, bón vôi ngay khi cày lật đất, phơi ải 7-10 ngày trước khi trồng, bón phân lót, lên luống. Mùa khô luống cao 20cm, rãnh 30cm, mặt luống rộng 1,2m trồng hàng đôi; Mùa mưa luống cao 25-30cm, rãnh 30cm, mặt luống rộng 80-90cm, trồng hàng đơn.
- Làm đất, kết hợp bón lót và có thể dùng thuốc phòng trừ tuyến trùng, thuốc phòng trừ nấm để xử lý các loại dịch hại trong đất xâm nhập. Phủ nilon màu xám để giữ ẩm, hạn chế dinh dưỡng bị rửa trôi, hạn chế cỏ dại, sâu bệnh. Cũng có thể phủ cỏ tranh hoặc rơm rạ.
+ Mật độ trồng: Mùa khô trồng hàng x hàng 70cm x cây 50cm theo kiểu nanh sấu. Mật độ 27.000 cây/ha.
Mùa mưa trồng cây x cây 50-60cm, hàng x hàng 1-1,2m. Mật độ 18.000-20.000 cây/ha.
Nên trồng cây vào buổi chiều mát, khi trồng tránh vỡ bầu, nén đất không quá chặt. Nên dùng cây choái cũ (30cm) cắm cạnh cây và choàng 1 sợi thun để cây tựa (dùng cho vườn trống trải). Cây dự phòng được trồng giữa các cây trên hàng để tiện cho việc bứng dặm.
Từ 7-10 ngày sâu trồng tiến hành kiểm tra trồng dặm.
+ Phân bón: Theo quy trình sản xuất cà chua an toàn (tính trên ha). Chỉ sử dụng các loại phân bón có trong danh mục sản xuất, kinh doanh tại VN. Tùy theo loại đất, chế độ mưa mà bón phân phù hợp. Thông thường có thể bón 20-30 tấn phân chuồng, 1-1,5 tấn vôi, 5-10kg borat và 240kg N – 100kg P2O5 – 270kg K2O, (lượng phân hóa học trên tương đương 400kg Ure, 350 NPK 16-16-8, 500kg lân và 400 kg/ha sulphat kali).
Bón lót 5-7 ngày trước khi trồng toàn bộ phân hữu cơ + vôi +100kg NPK + toàn bộ borat.
Thúc lần 1: Sau trồng 10-15 ngày: 100kg ure + 150kg sulphat kali + 100kg bánh dầu + 5kg NPK, kết hợp với phá váng.
Thúc lần 2: Sau trồng 20-25 ngày (khi cây ra hoa): 100kg ure + 150kg sulphat kali + 50kg NPK, kết hợp làm cỏ, xới rộng vun cao luống. Phân được bón theo 2 mép luống xa gốc, theo tán cây.
Thúc lần 3: sau thu hoạch lần 1: 100kg ure + 150kg sulphat kali + 10kg NPK.
Sau đó, cứ 7-10 ngày bón lần 1 lần 50kg ure + 50kg sulphat kali.
Trong quá trình sinh trưởng có thể phun kết hợp lên lá các loại nguyên tố vi lượng theo nồng độ: CuSO¬4 0,1%, ZnSO4 0,1%, MnSO4 0,3-0,4% phun một vài lần cho cây. Có thể sử dụng các loại phân bón lá như Bayfolan (20-30 cc/8 lít), komic BFCVG: 40-50 cc/8 lít, hay các loại phân bón NPK tinh, các loại thuốc kích thích sinh trưởng như Dekamon, Agritonic, Atonic: 5-10 cc/8 lít. Đối với giống cà, thời gian ra hoa đậu trái kéo dài, đợt bón thúc lần 3 có thể chia làm 2-3 đợt phụ, cách nhau 5-7 ngày.
+ Tưới nước: Sử dụng nước giếng khoan, nước máy, nước suối đầu nguồn để tưới. Tuyệt đối không sử dụng nước ao tù, nước thải, nguồn nước nhiễm các loại vi sinh vật gây hại, nhiễm độc hóa học để tưới rau.
Tưới đủ độ ẩm bằng nước sạch: từ khi trồng đến khi hồi xanh tưới 2-3 lần/ngày, sau đó 1 lần/ngày. Sau các trận mưa to cần phải tưới để rửa đất cho cây phòng ngừa bệnh nấm, đảm bảo độ ẩm cho đất: 60-70%. Khi cây cà chua ra hoa cần lượng nước nhiều hơn, độ ẩm 70-80%. Nếu đất khô hạn, quả bị nứt, dễ rụng trái.
+ Biện pháp canh tác:
- Vun xới: sau trồng 7-10 ngày xới phá váng. Sau trồng 20-25 ngày kết hợp bón phân, vun cao luống để tránh nước đọng, rễ kém phát triển. Loại bỏ cây bệnh, trái bệnh, sâu,…Trong mùa mưa tỉa bớt lá, chân lá già đã chuyển vàng để vườn được thông thoáng. Tỉa các nhánh phía dưới chùm hoa thứ nhất và để 1-2 nhánh (trên chùm hoa thứ nhất). Gom lá bệnh, trái thối, trái sâu tiêu hủy cách xa vườn.
- Làm giàn: Khi cây cao 40-60cm cần làm giàn giúp cây phân bó đều trên luống, thuận tiện chăm sóc.
- Vệ sinh ray, công cụ bằng xà phòng trước và sau lần cắt, tỉa lá, cành.
Trình tự: cắt tỉa cây khỏe trước, cây bệnh sau.
2. Biện pháp vật lý
- Dùng bẫy dính màu vàng (20cm x 30cm, đặt so le 3m/cái khi cắm choái) để thu hút con trưởng thành.
- Dùng giấy bạc treo trên ngọn cây tạo ánh sáng phản xạ xua đuổi côn trùng chích hút, dùng lưới côn trùng bảo vệ.
- Dùng lưới quây xung quanh vườn với chiều cao 1,8-3, m (nơi ánh sáng ít, gió yếu quây lưới thấp 1,8m).
3. Biện pháp hóa học:
- Hạn chế phun thuốc hóa học
- Sử dụng các loại thuốc trừ côn trùng chích hút từ vườn ươm và sớm ngay khi trồng bằng các loại thuốc Oshin 20 WP, Sokupi 0,36AS, Actara 25WG
Các loại thuốc khác trong danh mục được phép sử dụng trên rau.
Tác động kinh tế - xã hội và đề xuất:
- Ban hành quy trình tạm thời phòng trừ tổng hợp bệnh xoăn lá cà chua.
- Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cà chua tại các cơ sở gieo ươm.
- Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh xoăn lá cà chua.
- Tiếp tục chuyển giao cho nông dân quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh xoăn lá cà chua bằng các hình thức: tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo; tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng; mô hình trình diễn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét