1. Giới thiệu:
Cây bí đỏ Tên khoa học: Cucurbita pepo Cucurbita moschata Họ bầu bí: Cucurbitaceae
Bí đỏ có nguồn gốc Trung Mỹ, gồm 25 loài nhưng phổ biến nhất ở vùng nhiệt đới là C. pepo và C. moschata, còn C. maxima thì thích hợp ở vùng khí hậu mát.
Sản phẩm sử dụng chính là trái giàu vitamin A, trái chứa 85 - 91% nước, chất đạm 0,8 - 2 g, chất béo 0,1 - 0,5 g, chất bột đường 3,3 - 11 g, cho năng lượng 85 -170 kJ/100 g. Ngoài ra, hoa, lá và đọt non cũng được dùng làm rau ăn.
2. Đặc tính sinh học:
Rễ: Hệ thống rễ phát triển mạnh, rễ chính ăn sâu và rễ phụ ăn lan rộng nên khả năng chịu hạn tốt. Cây có khả năng phát triển trên đất hơi phèn hoặc mặn. Đây là cây rau được chú ý canh tác đầu tiên trên những vùng đất mới khai phá.
Thân: Thân bò có tua cuốn, thân dài ngắn tuỳ giống, thân tròn hay có gốc cạnh. Thân có khả năng ra rễ bất định ở đốt. Tua cuốn phân nhánh mọc ở đốt thân.
Lá: Lá đơn, mọc cách, cuống dài, phiến lá rộng, tròn hay gốc cạnh, có xẻ thùy sâu hay cạn, màu xanh hay lốm đốm trắng.
Hoa: Hoa đơn phái cùng cây, to, cánh màu vàng, thụ phấn nhờ côn trùng. Trong điều kiện khí hậu không thuận hợp cây sinh ra hoa lưỡng tính hay hoa đực bất thụ.
Trái: Đặc điểm của cuống trái là một đặc tính dùng để phân biệt các loài bí trồng. Cuống trái mềm hay cứng, tròn hay gốc cạnh, đáy cuống phình hay không. Vỏ trái cứng hay mềm, trơn láng hay sần sùi, màu sắc vỏ trái thay đổi từ xanh đậm tới vàng, hơi trắng. Hình dạng trái rất thay đổi từ tròn, oval tới dài. Thịt trái dầy hay mỏng, màu vàng đỏ đến vàng tươi. Ruột chứa nhiều hột nằm giữa trái.
Bí đỏ thích nghi rộng với điều kiện vùng nhiệt đới, bí có thể trồng ở đồng bằng cho đến cao nguyên có cao độ 1.500 m. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển từ 18 - 27oC. Cây sinh trưởng tốt trong điều kiện cường độ chiếu sáng mạnh, có khả năng chịu hạn khá nhưng nếu khô hạn quá dễ bị rụng hoa và trái non.
Nhiệt độ và độ dài ngày đều có ảnh hưởng trên sự hìanh thành tỉ lệ hoa đực và cái trên cây. Ngày dài và nhiệt độ cao thích hợp cho cây ra nhiều hoa đực.
Cây không kén đất nhưng đòi hỏi phải thoát nước tốt, vì cây chịu úng kém nhưng chịu khô hạn tốt. ẩm độ cao không thích hợp cho cây phát triển vì dễ phát sinh bệnh trên lá.
3. Giống:
Các giống địa phương trồng phổ biến. Hai giống được ưa chuộng nhất là:
- Giống Bí Vàm Răng: Trồng phổ biến ở Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng. Trái tròn dẹp, có khía, nặng 3 - 5 kg, trái già màu vàng, vỏ hai da, thịt dầy, dẻo, màu vàng tươi, phẩm chất ngon.
- Giống Bí trái dài Ban Mê Thuộc: Trồng phổ biến ở miền Đông Nam Bộ và cao nguyên. Trái bầu dục dài, nặng 1 - 2 kg, vỏ vàng xanh hay vàng, trơn láng hay sần sùi, thịt mỏng, màu vàng tươi đến vàng cam, ít dẻo, ngon ngọt.
4. Kỹ thuật trồng:
4.1. Thời vụ
Bí đỏ trồng được quanh năm, tùy theo điều kiện đất và nước từng nơi mà bố trí trong mùa khô hay mùa mưa. Mùa khô gieo tháng 11 - 1 dl, thu hoạch tháng 3 - 4 dl; mùa mưa gieo tháng 5 - 6, thu hoạch tháng 8 - 9 dl.
4.2. Làm đất
Bí đỏ rất dễ trồng không kén đất, có thể trồng trên đất bờ hoặc đất ruộng sau mùa lúa, nhưng tốt nhất là đất mới khai phá. Kỹ thuật làm đất bí tương tự như làm đất trồng dưa hấu. Đất được cuốc lên líp đôi, khoảng cách giữa 2 tim mương 5 - 6 m, mương rộng 0,4 - 0,6 m, mặt luống rộng 0,7 m, cao 0,2 - 0,3 m, khoảng cách cây trên luống 0,5 - 0,7 m, mật độ 5.500 - 7.500 cây/ha.
4.3. Gieo hạt
Hột gieo thẳng hoặc gieo trong bầu, thường ngâm ủ cho nẩy mầm trước khi gieo. Lượng giống gieo 1 - 1,5 kg/ha tùy giống. Cây con đem trồng có 1 - 2 lá nhám.
4.4. Chăm sóc
4.4.1 Bón phân
Công thức phân áp dụng và cách bón như sau cho 1 ha:
N: từ 230- 250 kg
P2O5: 150-200 kg
K2O: 90 -100 kg
Loại phân | Lượng phân | Bón lót | Thúc lần 1 (20NSKT) | Thúc lần 2 (40 NSKT) | Thúc nuôi trái |
Phân chuồng (m3) | 30 | 30 | |||
Vôi (kg) | 1.000 | 1.000 | |||
Phân 16-16-8 | 600 | 200 | 200 | 200 | |
Uree (kg) | 250 | 250 | |||
DAP (kg) | 150 | 120 | 30 | ||
KCl (kg) | 100 |
NSKT: Ngày sau khi gieo
Ngoài lượng phân trên có thể phun phân qua lá định kỳ 7-10 ngày/lần như Bayfolan, HVP, Komix, Bioted... với nồng độ khuyến cáo trên nhản chai thuốc giúp cây khoẻ mạnh, tăng trưởng nhanh, cho trái tốt.
4.4.2 Tưới nước: Cung cấp đầy đủ nước trong mùa khô, nhất là giai đoạn ra hoa. Thoát nước tốt trong mùa mưa không để rễ cây bị úng.
4.4.3 Tạo hình: Khi bí dài 1m, lấy đất đắp đoạn thân giúp cây phát triển rễ phụ tăng khả năng hút chất dinh dưỡng, cây sinh trưởng tôt hơn. Bí có khả năng đâm nhánh mạnh nên ra rất nhiều nhánh. Mỗi cây chỉ nên chừa 2 - 4 nhánh tốt nhất hoặc dây chánh và 1 - 2 dây nhánh, tiả hết các nhánh khác làm rau ăn để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái. Cũng tỉa bớt các lá chân hoặc lá vàng úa, giúp thông thoáng ong bướm dể tìm hoa hút nhụy, tăng tỉ lệ đậu trái.
4.4.4. Để trái: Hoa đực ở bí đỏ rất nhiều gấp hơn 20 lần hoa cái, hoa đực có sớm hơn hoa cái vài ba ngày. Khoảng 35 ngày sau khi trồng hoa cái bắt đầu nở. Hoa nở vào buổi sáng sớm, thường thì hoa đực và hoa cái trên một cây nở hoa không cùng lúc mà hạt phấn chỉ thụ tinh trong vài giờ, vì vậy thụ phấn nhân tạo rất cần thiết để đảm bảo năng suất. Ngắt hoa đực, bỏ hết đài và cánh hoa, quét nhị đực lên nướm vòi nhụy. Không nên phun thuốc trừ sâu xông hơi mạnh trong thời gian chấm nụ. Mỗi cây thường để 1 - 3 trái tùy theo khoảng cách trồng và độ phì của đất.
4.4.5. Phòng trừ sâu bệnh: tương tự như trên dưa hấu, khổ qua.
5. Thu hoạch:
Nếu ăn ngay hoặc tiêu thụ nhanh tại điạ phương có thể thu trái non (khoảng 30 ngày sau khi đậu trái), trái thu non hái được nhiều trái và dây lâu tàn. Nếu để dự trử lâu nên thu khi trái thật già vỏ cứng có màu vàng, có lớp sừng, có phấn, cuống vàng và cứng (khoảng 3 - 4 tháng sau khi trồng) tùy theo giống, dùng dao cắt cả cuống đem về bôi vôi vào mặt cắt giữ nơi thoáng mát. Năng suất 20 - 30 tấn/ha.
6. Để giống:
Cần chọn trái đều đặn, nằm trên dây chính, thật già, vỏ cứng chắc, thu hoạch khi dây đã tàn, cất giữ trong nhà ít nhất 1 tháng mới bổ ra lấy hạt. Hạt được rửa sạch, phơi khô để vào chai kín cất giữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét