Phó Thủ tướng đau đầu 'rau để ăn, rau để bán'
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị nghiên cứu đặt thiết bị thử an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ. Khi đó sẽ không cần phải xử phạt, thấy thực phẩm không sạch, tức thì những người khác sẽ không mua, câu chuyện 2 luống rau sẽ chấm dứt.
Trước thực trạng nóng về chất lượng ATTP tại Việt Nam, chiều 24/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp giữa các Bộ ngành Việt Nam với đại diện các đối tác phát triển đến từ nhiều nước, tổ chức quốc tế đề bàn về hướng hỗ trợ, khả năng hợp tác trong quản lý ATTP tại Việt Nam.
Đau đầu câu chuyện 2 luống rau
Phó Thủ tướng đánh giá, các mặt hàng mang tính chất sản xuất lớn như lúa gạo, thanh long, cá tra... của Việt Nam đều có chất lượng ổn. Các mặt hàng trong siêu thị cũng cơ bản tốt. Tuy nhiên Việt Nam lại ngược với hầu hết các nước khi 80% lượng thực phẩm tiêu thụ đến từ các chợ nhỏ lẻ chứ không phải siêu thị.
Trong khi việc kiểm soát sản xuất, phân phối cho 80% thị trường nhỏ lẻ này rất khó khăn. Tình trạng nhập lậu thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật vẫn diễn ra tràn lan.
-Vựa rau kì lạ trên cồn cát nóng tới 50 độ C
-Vựa rau kì lạ trên cồn cát nóng tới 50 độ C
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận câu chuyện 2 luống rau là thực tế tại Việt Nam hiện nay |
Phó Thủ tướng dẫn câu chuyện thực tế khi ông trực tiếp đi xem các cánh đồng rau tại các huyện ngoại thành Hà Nội, Bắc Ninh và các tỉnh lân cận, thấy sự thật đúng là người nông dân có 2 luống rau. Một luống xanh non để bán còn luống xấu hơn để ăn.
Một số gia đình có điều kiện thì vào cửa hàng rau sạch, có người nhờ quê cung cấp rau lên thành phố... nhưng số lượng không đáng là bao.
Với thói quen sản xuất chủ yếu nghe truyền miệng như ở Việt Nam, ông Đam cho rằng có truyền thông về ATTP cũng không ăn thua.
Theo ông Đam, cách tốt nhất để cảnh báo cho người nông dân là tại tất cả các chợ, nghiên cứu đặt thiết bị thử ATTP. Khi đó sẽ không cần xử phạt, thấy thực phẩm không sạch, tức thì những người khác sẽ không mua, câu chuyện 2 luống rau sẽ chấm dứt.
"Suy cho cùng người nông dân cũng vì lợi ích thôi. Hôm nay họ bán được thì vẫn để 2 luống rau nhưng ngày mai không ai mua nữa thì phải thay đổi", ông Đam tin tưởng.
Bộ nào chịu trách nhiệm về ATTP?
Tại cuộc họp, nhiều đại diện đến từ các nước như Canada, New Zealand... đều có chung băn khoăn về năng lực lập kế hoạch, giám sát an toàn thực phẩm tại Việt Nam khi có tới 3 cơ quan cùng chịu trách nhiệm gồm Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương.
Trong khi tại nhiều quốc gia, chỉ có duy nhất một cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề ATTP.
Vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải thích, Việt Nam có những đặc thù riêng, nên dù không có một cơ quan duy nhất quản lý về ATTP nhưng có cơ chế phối hợp rất đầy đủ, đã có thông tư liên tịch phân chia trách nhiệm của 3 Bộ.
Đơn cử, phân bón thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương, nhưng khi đưa vào sử dụng canh tác thì Bộ NN&PTNT phải chịu trách nhiệm.
Đóng vai trò là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm về ATTP, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giải thích thêm, hiện Bộ Y tế đang phụ trách 6 nhóm hàng, Bộ NN&PTNT phụ trách lĩnh vực nông lâm thủy sản, thực phẩm tươi sống, Bộ Công thương phụ trách rượu bia, nước giải khát...
Giữa 3 Bộ thiết lập một nhóm công tác, giao cho 3 cơ quan tại 3 bộ gồm Cục ATTP (Bộ Y tế), Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công thương) và Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) phụ trách.
Ông Long thừa nhận, trong quá trình quản lý, có những sản phẩm không biết phân về bộ ngành nào. Sau này quy định, sản phẩm nào có hàm lượng ở bộ đó nhiều hơn thì thuộc ngành đó, sản phẩm nào không phân định được thì Bộ Y tế chịu trách nhiệm chung.
Ông Long cho biết thêm, thời gian tới, 3 Bộ sẽ phối hợp thành lập hải quan một cửa ngay tại cửa khẩu để kiểm soát thực phẩm nhập khẩu. Các doanh nghiệp không cần chuyển hồ sơ đến Bộ này Bộ kia mà chỉ cần qua một điểm.
Cũng thừa nhận rất khó để một cơ quan quản lý duy nhất về lĩnh vực này, song Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Văn Tám đề xuất thành lập nhóm tư vấn bao gồm các chuyên gia quốc tế và trong nước có tâm huyết để tham vấn, hỗ trợ công tác quản lý ATTP tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét