Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Khác biệt khi làm mẹ ở Mỹ và Nhật

Ở Mỹ các bà mẹ kể với nhau mọi khúc mắc về con; còn tại Nhật, nếu cởi mở như vậy bạn sẽ nhận được những cái nhìn lạ lùng. 

Nhiếp ảnh gia Yoko Inoue lớn lên ở một vùng ngoại ô Nhật và chuyển tới New York khi cô 21 tuổi. "Tôi luôn cảm thấy như mình đã sinh ra ở nhầm nước. Mọi người ở Nhật thích trở nên giống nhau. Có rất nhiều áp lực để gò mình vào khuôn khổ. Nhưng tôi lại luôn muốn khác biệt. Ở New York, tôi thấy như ở nhà. Bạn phải khác biệt và mỗi người đều cố gắng để nổi bật", cô từng nói.
Năm 2010, sau 7 năm sống ở New York, người chồng Mỹ của Yoko đề xuất hai vợ chồng đưa cậu con trai Motoki về Nhật vài năm và cô đồng ý. 
"Cuộc sống ở New York trở nên mệt mỏi. Mỗi lần về thăm bố mẹ tôi ở vùng ngoại ô, chúng tôi luôn có khoảng thời gian tuyệt vời. Tôi muốn con trai mình có thể nói tiếng Nhật và học văn hóa Nhật", Yoko chia sẻ. Vì vậy, họ về sống ở một vùng nông thôn, gần cả núi và sông, nơi phải mất 15 phút để đi tới thành phố tầm trung ở Okayama.
Khi mới chuyển về, họ thấy cuộc sống như thiên đường với "thức ăn ngon, mọi người xung quanh tử tế, nhịp sống chậm lại". Nhưng ở Nhật hơn 3 năm, Yoko bắt đầu nếm trải một số khó khăn. Các bà mẹ ở đây rất khác. Có rất nhiều áp lực phải gò vào những khuôn khổ. Nhưng, ngược lại, cộng đồng gần gũi mang đến sự an toàn hơn. Motoki có thể ra ngoài chơi mà mẹ không cần trông chừng. Tại đây, ai cũng là người thân và mọi người đều biết bé. Cậu nhóc có thể tin tưởng mọi người, trong khi ở New York, từ bé, Motoki đã phải học cách dè chừng.
Dưới đây là những khác biệt về việc sinh và nuôi dạy trẻ ở Nhật và Mỹ, dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia Yoko: 
Khi mang thai
tre-nhat-9025-1433121349.jpg

Chị Yoko Inoue khi đang mang thai cùng cậu con trai lớn Motoki tại Nhật. Ảnh: Cupofjo.
Tôi mang thai 6 tháng rưỡi và chuẩn bị đi khám. Ở New York, khi tôi mang thai Motoki, bác sĩ sẽ cảnh báo tôi: "Cô không được ăn sushi, pho mát sống, không được uống cà phê, rượu". Bác sĩ sẽ kê cho tôi các loại vitamin đặc biệt. Các bác sĩ Nhật Bản không nói bất cứ điều gì về những thứ này. Ở Nhật, chế độ ăn uống của thai phụ không cần kiêng cữ gì.
Kết bạn
Ở New York, hầu hết phụ nữ tôi biết đều đi làm, có công việc trước và sau khi kết hôn cũng như khi có con. Trong khi ở Nhật, hầu hết các bà mẹ tôi gặp đều ở nhà nội trợ. Tôi cũng vẫn làm việc toàn thời gian với tư cách một nhiếp ảnh gia, vì vậy, đôi khi, tôi thấy khó để bắt thân với những bà mẹ ở Nhật.
Mất vài năm tôi mới hiểu các bà mẹ Nhật giao tiếp rất khác các bà mẹ ở Mỹ. Ở Mỹ, bạn có thể gặp một bà mẹ ở sân chơi và kể với chị ấy mọi thứ xảy ra trong ngôi nhà bạn - các khúc mắc của bạn với chồng hay con. Bạn có thể thoải mái, cởi mở. Điều đó làm tôi cảm thấy: "Tôi không đơn độc - mọi người xung quanh cũng có các vấn đề tương tự".
Tại Nhật, nếu tôi cởi mở như vậy, tôi sẽ nhận được những cái nhìn lạ lùng. Điều đó dễ khiến bạn cảm thấy mình là người duy nhất có vấn đề. Nhưng thực sự, mọi người đều có các khó khăn tương tự - chỉ là bạn không chia sẻ điều đó theo cách giống nhau. Mọi người thực sự tạo ra một ranh giới giữa chuyện chung và chuyện riêng.
Khi đi tiệc
Ở Nhật, khi chúng tôi tụ họp với các gia đình khác, đàn ông và phụ nữ thường hoàn toàn tách biệt. Phụ nữ thường ở trong bếp nấu nướng và trông nom lũ trẻ, còn đàn ông thì ở phòng khác để uống bia. Tôi không hiểu tại sao lại vậy. Tôi cũng muốn ngồi và uống bia như thế. Ở Mỹ, chúng tôi thường hòa lẫn với nhau, các ông bố và các bà mẹ.  Còn ở đây, các bà mẹ dường như không thể kết bạn với các ông bố khác.
Chuyện ra ngoài ăn tối với chồng
Vợ chồng hẹn hò nhau buổi tối dường như khá xa lạ ở Nhật. Một lần, khi tôi kể với mấy người bạn rằng tôi vừa thuê một cô trông trẻ để có thể ra ngoài ăn tối với chồng, họ có vẻ rất sốc. Ở Nhật, các nhà hàng thường rất đắt đỏ và nam giới thường đi làm về rất muộn - kể cả vào cuối tuần - vì vậy họ rất hiếm khi ra ngoài ăn, có khi một năm chỉ một lần - vào dịp sinh nhật. Đôi khi, tôi cảm thấy như khi một phụ nữ Nhật đã kết hôn, cô ấy chỉ trở thành "mẹ" chứ không phải là người đàn bà hay người vợ. Cô ấy và chồng như có hai cuộc sống riêng biệt. Cô ấy ăn sớm cùng các con còn chồng ăn muộn, thường cùng các đồng nghiệp, đối tác làm ăn. Các đôi vợ chồng có vẻ vẫn hạnh phúc và thân thiết với nhau nhưng đó là một thế giới của người đàn ông trong hôn nhân. Đàn ông dường như không giúp việc nhà.
Nhà trẻ
tre-mam-non-5185-1433121349.jpg

Các bé lớp được học qua các hoạt động vui chơi và tìm hiểu thiên nhiên ngoài trời. Ảnh: Cupofjo.
Có hai loại trường trông trẻ ở Nhật Bản: Một cho những trẻ có mẹ đi làm và một cho những trẻ có mẹ ở nhà. Loại trường cho trẻ có mẹ đi làm hoạt động 6 ngày một tuần, từ 7h tới 18h và con bạn không thể đến đó trừ phi bạn chứng minh được mình có một công việc hoặc không thể chăm sóc bé vì lý do nào đó. Tôi gửi con trai đến một trường thuộc loại này và ở đó thật tuyệt. Trường được sự hỗ trợ của chính phủ nên chỉ phải đóng khoảng 150 USD mỗi tháng (bao gồm một bữa trưa cân đối dinh dưỡng do đầu bếp trong trường chuẩn bị). Trẻ dành hầu hết thời gian ở ngoài trời, được dạy về các con vật, được xây dựng trên cát và theo chủ trương "học bằng chơi".
Trường cho các mẹ đi làm chỉ hoạt động tới bữa trưa và nó thường thiên về học thuật, tập trung vào vào việc dạy trẻ ở trong lớp hơn là các hoạt động ngoài trời.
Trẻ em đi bộ tới trường
Ở Nhật, tất cả trẻ ở trong thị trấn gặp nhau ở một con đường và cùng đi bộ tới trường tới lúc chúng 7 tuổi. Những người lớn trong khu vực tự nguyện đảm bảo cho trẻ được an toàn dọc đường đi. Họ rất vui vẻ khi giúp đỡ và chào hỏi trẻ. Các bố mẹ cũng phải đảm bảo con cái mình luôn nói lời chào thật to với mọi người bé gặp trên đường. Nếu bạn không làm vậy thì sẽ bị coi là quá thô lỗ.
Bố mẹ cũng cần thay phiên quan sát trẻ đi bộ đến trường để đảm bảo là chúng chào hỏi mọi người và được an toàn. Bố mẹ nào nhận trông nom trẻ sẽ phải ghi chú ở bảng tin của địa phương những điều như: "Các cháu cấp hai đạp xe quá nhanh, nguy hiểm", hay "Các bậc thang không chắc chắn và nên được sửa lại để bảo đảm an toàn cho trẻ". Sau đó, các vấn đề này sẽ được bàn luận tại cuộc họp địa phương.
tre-di-bo-toi-truong-7353-1433121349.jpg

Các bé đi bộ đến trường ở Nhật. Ảnh: Cupofjo.
Về thực phẩm
Đa số trẻ ở Nhật ăn rất nhiều cơm. Bữa trưa chủ yếu là cơm nắm - thi thoảng được cuộn cùng tảo biển - với một ít trứng ốp lết, nước sốt và rau súp lơ.
Thực phẩm ở Nhật khi bán không hề được dán nhãn như ở Mỹ. Vì vậy, khi bạn mua trứng hay rau, bạn không biết liệu chúng có phải là sản phẩm hữu cơ hay không. Chồng tôi nghĩ lý do là tất cả thực phẩm ở đây đều có chất lượng tốt nhưng tôi cảm thấy hơi bối rối. Ở Mỹ, tôi cần phải xem rõ nhãn mác và chỉ mua nếu sản phẩm ghi rõ là hoàn toàn hữu cơ, còn ở đây, tôi chỉ nhắm mắt và mua.
Trong cộng đồng
Cộng đồng là điều quan trọng ở Nhật. Địa phương tổ chức nhiều sự kiện và ai cũng phải tham gia các hoạt động. Mỗi tháng, mọi người sẽ cùng nhau làm vệ sinh khu vực mình sống và ngôi đền ở địa phương. Khi bạn đi dạo ngoài dường, bạn luôn phải "chào hỏi" - tức là phải kính cẩn gật đầu và nói xin chào. Điều đó thật tử tế nhưng đôi khi tôi lại chỉ thích được ở một mình.
Ở New York, tôi có thể giấu tên và không bao giờ biết hàng xóm của mình. Ở Nhật, tôi có thể muốn ở nhà với gia đình vào chủ nhật nhưng tôi phải tham gia các hoạt động ở cộng đồng. Việc này rất quan trọng nếu bạn muốn con cái mình được mọi người chấp nhận.
Nhịp sống
Ở New York, không cần biết bạn đã kiếm được bao nhiêu tiền, bạn sẽ luôn cảm thấy nghèo. Trường học, thuê nhà, hóa đơn y tế - mọi thứ quá đắt đỏ. Ở Nhật, tôi thấy một số thứ tôi không cần mua bằng tiền: Cảm giác an toàn - không áp lực. Chăm sóc trẻ và trường học không hề đắt và chăm sóc y tế cũng rẻ. Chồng tôi và tôi thi thoảng nói đùa với nhau rằng giống như chúng tôi đang sống trong một cộng đồng về hưu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét