Em cao 1,63 m, nặng 52 kg, vòng bụng 81 cm, trước đây chỉ nặng 49 kg mà vòng bụng vẫn vậy.
Em mới mổ thận hơn một tháng, vết sẹo đã lành. Giờ đây thực hiện những bài tập gập bụng em cảm thấy tập khó hơn trước khi phẫu thuật. Em nên làm gì để giảm mỡ bụng? Xin hỏi lấy túi sưởi chườm bụng có giúp giảm mỡ không? Xin bác sĩ tư vấn cho em chế độ tập luyện và ăn kiêng. Em cảm ơn. (Nguyễn Thị Thảo).
-Tiểu đường, những điều bạn không thể bỏ qua
-Tiểu đường, những điều bạn không thể bỏ qua
Trả lời:
Chào Thảo,
Rất tiếc bạn không cho biết số tuổi cụ thể nên tôi khó đưa ra những tư vấn chi tiết hơn. Nếu bạn trên 19 tuổi thì với cân nặng, chiều cao như trên thì BMI trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, vòng 2 của bạn như thế là bị béo bụng rồi đấy (nữ từ 80 cm trở lên, còn nam từ 90 cm).
Béo bụng là tình trạng mỡ tích lũy nhiều ở vùng bụng. Đây cũng là tình trạng béo phì, có nguy cơ gây các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng mỡ máu, bệnh tim mạch rất cao.
Bạn cần có chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp để giảm vòng bụng. Tuy nhiên vì mới mổ nên bạn cần xin ý kiến bác sĩ về việc vận động như thế nào cho phù hợp mà không ảnh hưởng đến vết mổ và cơ quan được phẩu thuật.
Về nguyên tắc, để hạn chế mỡ thừa, bạn cần vận động thường xuyên sẽ giúp đốt cháy năng lượng, bụng không có cơ hội tích tụ mỡ. Nên duy trì vận động hàng ngày 30-60 phút các môn như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội, không nhất thiết phải gập bụng.
Bạn cũng cần chú ý chế độ ăn giảm dầu mỡ, hạn chế tinh bột, không dùng đồ ngọt, không ăn thực phẩm chiên, quay mà nên ưu tiên hấp, luộc. Thay vào đó nên dùng nhiều rau, trái cây chọn loại ít ngọt, uống sữa không đường, tách béo, ăn đủ bữa, không bỏ bữa sáng, ăn vừa đủ, không ăn quá no, không ăn uống sau 20h tối. Cần ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, không thức quá khuya.
Chúc bạn nhiều sức khỏe và sớm đạt được mục tiêu giảm eo.
Thân ái.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét